Lễ hội Tân_Lễ

Hội làng Hới (Hội chiếu): Hàng năm, ngày 06/01 âm lịch tại đình làng Hới (thờ trạng nguyên Phạm Đôn Lễ) ở thôn Hải Triều, diễn ra lễ hội Làng Hới.

Lịch sử ghi chép rằng Khi "Trạng chiếu" mất, người dân lập đền thờ gọi là đền Quan Trạng, quanh năm hương khói. Lễ hội tưởng nhớ đến công ơn của Quan Trạng, tương truyền đó là ngày Phạm Đôn Lễ mất. Trong lễ hội, ngoài phần lễ nghi, người ta còn tổ chức hội thi dệt chiếu rất sôi nổi thu hút dân trong vùng và khách thập phương đến tham dự. ngoài ra còn có thêm nhiều các trò chơi dân gian như leo cây chuối, đi cầu kiều, bắt vịt dưới ao và xem trèo thuyền, xem các màn rước lễ từ các thôn trong xã đến....

Lễ hội làng Hới bắt đầu bằng nghi thức rước kiệu "Trạng chiếu". Từ sáng sớm ban khánh tiết và những người có trách nhiệm đã tề tựu đông đủ để làm lễ rước. Đám rước diễn ra rất long trọng với đầy đủ cờ xí, chấp kích, bát bửu, chiêng trống, kiệu thánh, dàn bát âm… Dân làng theo đám rước rất đông. Lễ rước thể hiện lòng biết ơn của dân làng đối với "ông tổ nghề" cũng như lòng yêu mến đối với người con hiếu thảo của quê hương.

Hội làng Phú Hà: hàng năm tại đền Phú Hà nhân dân tổ chức lễ hội từ ngày 10/3 đến 15/3 âm lịch. Đây là dịp giỗ tổ Hùng Vương, nhân dân mở hội để tưởng nhớ tổ tiên mình, vừa để ghi nhớ người có công với dân làng.

Về sau do điều kiện kinh tế cũng để phù hợp với đời sống mới, mỗi năm nhân dân Phú Hà chỉ tổ chức lễ hội vào một ngày 10/3 với nghi thức chính là lễ rước nước.

Phần lễ: Trước đây vào ngày này dân làng dùng lễ Tam sinh, ngày nay lễ vật thờ được đơn giản thuận tiện gồm: xôi, rượu, thịt gà, thịt lợn, hoa quả, tiền vàng, hương nến. Khi lễ vật đã được chuẩn bị xong có một đội tế lễ vào bái thần, xin phép thánh mẫu, các vị tôn ông cùng các vị thần cho nhân dân được rước kiệu. chĩnh nước ngã ba Sông Luộc lấy nước mới về thờ (được gọi là nghi lễ rước nước). Tiếp đó các dòng họ trong làng cùng con cháu làm lễ dâng hương vào đền. Khi dâng hương xong, ban quản lý đền tập trung toàn bộ dân làng để bắt đầu nghi thức ra sông lấy nước. Đi đầu là đội múa lân, cờ quạt, võng lọng, tiếp là đội khiêng khám thờ. Làng cử những người đàn ông có uy tín để mặc áo quan tay vái đi trước khám thờ, đi kiểu ngược lùi cùng đội khiêng khám ra sông. Có một cô đầu cùng đội khiêng bàn có chĩnh nước cũ lấy từ năm ngoái đi theo đội khiêng khám ra sông. Cuối là đội cầm bát bửu, chấp kích cùng toàn thể dân làng. Ra tới ngã ba sông có hai chiếc thuyền rồng chờ sẵn ở đó. Đội khiêng khám xuống một thuyền, cô đầu với đội khiêng chĩnh nước xuống một thuyền. Tất cả đi ra giữa sông thì đốt hương khấn vái, xin phép thần sông cho lấy nước mới vào chĩnh. Lấy xong phân phát lộc rải ngay trên sông. Xong thì các thuyền lại quay về đền đưa chĩnh nước mới vào thờ. Nhân dân rước nước mới vào đền thờ, cầu xin thần phù hộ cho dân làng năm mới an lành, mùa màng bộ thu.

Phần hội: Khi nghi thức rước nước đã xong, nhân dân lại tập trung ở đền, cùng nhau tổ chức, vui chơi các trò chơi dân gian tại đền như: Đi cầu kiều,chọi gà, chơi cờ, kéo co, múa kỳ lân sư tử... Buổi chiều đó thì nhân dân cùng nhau khiêng khám thờ, bát bửu, chấp kích, võng lọng đi quanh làng. Đi tới đâu đội múa kỳ lân, võng lọng trống vang lừng tới đó. Nhân dân theo sau ai cũng vui mừng hớn hở. Ngày này mọi người trong làng đều ra đền dâng hương, cầu xin thánh mẫu phù hộ mọi điều may mắn cho con cháu.

Liên quan